Nhìn vào danh sách hàng ngàn SV bị cảnh báo học vụ, thậm chí bị buộc thôi học hằng năm ở các trường ĐH, có thể thấy con đường học ĐH không hề đơn giản.

Có thể nói chưa khi nào việc trúng tuyển vào ĐH lại có nhiều cơ hội như hiện nay. Với quy chế tuyển sinh ĐH “thoáng” tối đa như các năm gần đây, thí sinh không thể trúng tuyển ĐH bằng kết quả thi THPT quốc gia thì có thể thông qua hình thức xét điểm học bạ THPT. Trong năm 2018, quy chế tiếp tục mở để học sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT đã có thể bước vào giảng đường ĐH. Mà tỷ lệ tốt nghiệp THPT luôn ở mức cao, nhiều địa phương thậm chí đạt 100%. Nhiều năm gần đây, dù điểm chuẩn ở mức thấp nhất (bằng điểm sàn) nhưng nhiều trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.

co-toi-40-sinh-vien-khong-hoc-xong-dai-hoc

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển cần cân nhắc chọn ngành đúng năng lực, sở trường

Nhưng khi vào ĐH ngày càng dễ thì tình trạng SV không thể tốt nghiệp ngày càng nhiều. Số lượng SV có quyết định bị buộc thôi học ở một trường ĐH có khi lên tới hàng ngàn người mỗi năm.
Chẳng hạn, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM vừa ra quyết định buộc dừng học 946 SV các hệ đào tạo từ học kỳ 3 năm học 2015 – 2016, do vi phạm quy chế học vụ, cảnh báo học vụ lần 3. Ngay trong đợt xét tốt nghiệp đầu tiên năm nay, trường này có tới trên 1.000 SV không đủ điều kiện tốt nghiệp dù đã hết thời gian đào tạo đúng tiến độ (5 năm với ngành thú y và 4 năm các ngành khác).
Cán bộ đào tạo một trường ĐH ngoài công lập tại TP.HCM cho biết sau khi hoàn thành khóa học thực tế, số sinh viên tốt nghiệp ở đa số ngành khoảng 45 – 65% số lượng ban đầu. Chỉ một số ít ngành có thể đạt 70 – 75%, cá biệt cũng có những ngành tỷ lệ này chỉ còn 30 – 40%.
Kết quả xét và xử lý học vụ học kỳ 2 năm học 2016 – 2017 của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cũng cho thấy, trong số 2.135 SV bị cảnh báo học vụ có 257 SV bị buộc thôi học. Trường ĐH Luật TP.HCM cũng công bố danh sách 230 SV văn bằng 1 và văn bằng 2 dự kiến bị cảnh báo học vụ, đình chỉ học 1 năm và buộc thôi học kể từ học kỳ 1 năm học 2017 – 2018 cũng vì có kết quả học tập yếu kém.
Tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết trung bình có khoảng 70% SV trường này trúng tuyển có thể tốt nghiệp ra trường. 30% SV còn lại rơi rụng qua các năm, trong đó nhiều nhất là sau khi học hết năm nhất.
PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, cũng thông tin các ngành thuộc khối công nghệ luôn có tỷ lệ SV ra trường thấp nhất (khoảng 60 – 65% tổng số trúng tuyển).
Trước thực tế này, tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết: “Đây là sự cảnh báo rất ý nghĩa cho các học sinh chuẩn bị đợt xét tuyển ĐH sắp tới. Hãy xác định rõ sở thích, năng lực bản thân phù hợp với ngành nghề để chọn đúng ngay từ đầu, tránh lãng phí tiền bạc và thời gian”.
Tiến sĩ Thông bổ sung: “Thường thần tượng hóa sự yêu thích mà không quan tâm đến khả năng đáp ứng của bản thân khi chọn ngành học là sự sai lầm vì không phải mọi trường hợp cứ đam mê là thành công”.

Tuyển sinh cao đẳng 2018