Sự phát triển của mỗi quốc gia đều phụ thuộc rất nhiều vào phát triển nguồn nhân lực, do vậy, chiến lược phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn lao động chất lượng cao là một trong những yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của mọi quốc gia. Đối với các doanh nghiệp hiện nay, nguồn nhân lực có tay nghề và chuyên môn cao đang trở thành nhu cầu cấp thiết. Xuất phát từ vấn đề này, Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung đã gắn kết với các doanh nghiệp thực hiện đào tạo “kép” để học sinh, sinh viên sau khi ra trường có việc làm ngay.
HSSV Khoa Cơ khí được đào tạo tại doanh nghiệp thông qua mô hình đào tạo “kép”
Thực tế, mô hình đào tạo “kép” đã mang lại hiệu quả thiết thực như: Học sinh, sinh viên được giảng viên có kinh nghiệm thực tế giám sát, hỗ trợ, đồng thời được các chuyên gia có kinh nghiệm của doanh nghiệp tham gia hướng dẫn trên giáo trình, tài liệu giảng dạy được hai bên phối hợp biên soạn; Giúp cơ sở đào tạo không tốn nguồn lực, doanh nghiệp không phải đào tạo lại, giảm chi phí đào tạo, thu hút học sinh, sinh viên vào học nghề; Giúp học sinh, sinh viên rèn luyện thêm các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm hoặc củng cố thêm các kiến thức đã học ở trường; Sau khi kết thúc chương trình đào tạo, học sinh, sinh viên có cơ hội làm việc chính thức ngay tại doanh nghiệp…
HSSV Khoa Điện & Tự động hóa được thực tập tại doanh nghiệp thông qua mô hình đào tạo “kép”
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao, ngày 29-04-2021, Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung đã ban hành Quy chế tổ chức triển khai mô hình đào tạo “kép”. Theo đó, một trong những nội dung quan trọng là tổ chức thực hiện mô hình đào tạo “kép” bằng việc hướng dẫn, chỉ đạo các khoa chuyên môn phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức đào tạo cho học sinh, sinh viên theo chương trình đào tạo cụ thể của từng ngành, nghề. Từ năm học 2020-2021 đến nay, có trên 20% tổng khối lượng chương trình đào tạo thuộc các ngành Chăm sóc sắc đẹp, Chế biến món ăn, Hướng dẫn du lịch, Quản trị khách sạn, Điện công nghiệp, Cắt gọt kim loại được triển khai tại doanh nghiệp. Và có thể nói, những kết quả ban đầu đạt được là rất đáng ghi nhận.
Trong thời gian tới, Nhà trường sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với doanh nghiệp triển khai có hiệu quả mô hình đào tạo “kép” giúp cho học sinh, sinh viên cải thiện cơ hội việc làm, cơ hội nâng cao kỹ năng đáp ứng những đổi mới mới nhất của thời đại kỹ thuật số, công nghệ lần thứ tư, mở rộng cơ hội tham gia xã hội và hội nhập.
TS. Trần Thị Nguyệt Cầm
Phòng Quản lý đào tạo