Với sự phát triển nhanh chóng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng đã đặt ra yêu cầu cao hơn về: chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng nghề nghiệp, khả năng thích nghi của người học với môi trường doanh nghiệp. Để thực hiện được các yêu cầu trên, một trong những yếu tố quan trọng là đẩy mạnh và đa dạng hóa hợp tác quốc tế trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Từ năm 2014 đến nay, đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp luôn được ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, phát triển nhân lực. Ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp được ưu tiên trong tổng chi ngân sách nhà nước dành cho giáo dục, đào tạo; được phân bổ theo nguyên tắc công khai, minh bạch, kịp thời.
Ngày 30/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2239/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu của Chiến lược là: Phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn. Đến năm 2045, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của một nước phát triển; trở thành quốc gia phát triển hàng đầu về giáo dục nghề nghiệp trong khu vực ASEAN, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo”.
Theo đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, chú trọng mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và các nước, tích cực tham gia các diễn đàn, hiệp hội khu vực, quốc tế về giáo dục nghề nghiệp cũng như các cuộc thi kỹ năng nghề. Đồng thời, chủ động quan hệ hợp tác với các nước phát triển trong khu vực và thế giới về các lĩnh vực đào tạo theo chuẩn quốc tế, xây dựng chuẩn năng lực cho nhà giáo; kết hợp đào tạo giáo viên tại nước ngoài, tranh thủ kinh nghiệm và kỹ năng của chuyên gia nước ngoài khi đến Việt Nam, trau dồi và nâng cao kiến thức ngoại ngữ…
Theo thống kê, tính đến thời điểm này có khoảng 5.000 lượt nhà giáo, cán bộ quản lý được đào tạo; Khoảng 200 lượt giáo viên, cán bộ quản lý tham gia các khóa đào tạo nước ngoài như: Malaysia, Australia, Đức, Pháp, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…; 655 nhà giáo được đào tạo theo chương trình chuyển giao từ Australia, Đức, các khóa đào tạo ngắn hạn tại Việt Nam.
Với nhiều lợi thế, chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đang ngày càng khẳng định là hướng đi được nhiều cơ sở giáo dục có uy tín lựa chọn để từng bước tiếp cận và đưa sinh viên vào thị trường lao động thế giới. Hợp tác quốc tế đã trở thành nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay. Các trường tham gia đào tạo đều có chung các tiêu chí như: Cơ sở vật chất hiện đại, sinh viên được học tập trên các trang thiết bị tiên tiến, đạt chuẩn quốc tế, đội ngũ giáo viên có trình độ.
Các dự án liên kết đào tạo quốc tế; trao đổi kinh nghiệm và tiêu chuẩn giáo dục nghề nghiệp; trao đổi chương trình giáo trình; trao đổi giảng viên, sinh viên; du học sinh và thực tập sinh được coi là các mô hình hợp tác quốc tế quan trọng hiện nay. Nhờ đó, các sinh viên học nghề có nhiều cơ hội được tiếp cận với trình độ cao hơn, phù hợp với yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài cũng như mở ra các cơ hội nghề nghiệp trong môi trường quốc tế.
Chất lượng đào tạo của Việt Nam đã được nâng lên, thể hiện qua việc nhiều học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp có thành tích cao trong kỳ thi tay nghề ASEAN hay của thế giới. Trên 80% học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp có việc làm, thu nhập tốt sau khi ra trường. Đặc biệt, nhiều chủ sử dụng lao động đánh giá cao chất lượng đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Dù vậy, trên thực tế hoạt động hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp vẫn còn một số khó khăn vướng mắc bởi số giáo viên được tiếp cận với các công nghệ mới tại các nước phát triển còn rất khiêm tốn nếu so sánh với gần 90.000 nhà giáo đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Số cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam ở nước ngoài, cơ sở giáo dục và nghiên cứu của nước ngoài ở Việt Nam còn ít, hiệu quả giáo dục dạy nghề nghiệp chưa được nâng cao rõ rệt;
Triển khai xây dựng khung trình độ quốc gia, chuẩn đầu ra, tiêu chuẩn kỹ năng nghề, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và điều kiện phát triển của đất nước chưa thật phù hợp và sáng tạo;
Việc ký kết các chương trình hợp tác GDNN với các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam còn hạn chế;
Đối tượng thụ hưởng và ngành, nghề đào tạo chưa được mở rộng. Chưa gắn chặt việc dạy nghề với giải quyết việc làm cho học sinh học nghề tại các cơ sở GDNN.
Một số giải pháp thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nhằm đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề cao
Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục khẳng định: Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược với định hướng xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở và linh hoạt. Vì vậy, hợp tác quốc tế được xem là giải pháp quan trọng, phù hợp với xu thế mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề cũng sẽ mở ra cơ hội để học sinh, sinh viên Việt Nam bắt kịp xu hướng và hòa nhập tốt được với thị trường lao động thế giới.
Để hoàn thành các mục tiêu nói trên, Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp phù hợp với xu thế hội nhập. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực dạy nghề, tạo môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài tham gia đào tạo nghề.
Thứ hai, triển khai áp dụng khung trình độ quốc gia; triển khai áp dụng khung trình độ quốc gia theo khung tham chiếu ASEAN đã được phê duyệt; xây dựng các chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia có tham chiếu các tiêu chuẩn năng lực của các nước trong khu vực và quốc tế.
Thứ ba, đổi mới chương trình đào tạo tiếp cận trình độ tiên tiến của các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, nhất là năng lực chuyên môn, sư phạm và ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế; tăng cường đào tạo tiếng Anh trong các cơ sở dạy nghề bảo đảm cho người học nghề có khả năng giao tiếp trong quá trình làm việc; sinh viên tốt nghiệp chương trình chất lượng cao có khả năng làm việc tại các nước trong khu vực ASEAN và thế giới
Thứ tư, tích cực tham gia các hoạt động thi tay nghề ASEAN và thế giới; thí điểm và nhân rộng các chương trình chuyển giao theo chuẩn quốc tế; chuyển giao công nghệ đào tạo; kiểm định, công nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo chuẩn của các nước chuyển giao.
Thứ năm, tăng cường nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước cho dạy nghề: Huy động nguồn lực tài chính từ các nước và các tổ chức quốc tế nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nguồn nhân lực, bổ sung trang thiết bị cho các cơ sở dạy nghề, thực hiện trao đổi giáo viên và học sinh, sinh viên Việt Nam với các nước; huy động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho các hoạt động đào tạo lao động trình độ cao.
Chất lượng nguồn nhân lực là khâu đột phá để thực hiện chiến lược kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Do vậy, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là yêu cầu, là đòi hỏi của đất nước nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đất nước. Một trong những nhân tố nâng cao chất lượng là nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Thời gian qua, Việt Nam đã hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp với nhiều quốc gia trên thế giới, đáng chú ý là các nước Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Úc… trên nhiều lĩnh vực nhiều cấp độ. Để thực sự nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác quốc tế trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp cần có những giải pháp đồng bộ về cơ chế chính sách, các giải pháp về tổ chức thực hiện và các giải pháp về đào tạo – bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà giáo thông suốt, nhịp nhàng từ Trung ương đến các cấp quản lý, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước.
TS. Trần Thị Nguyệt Cầm
Trưởng phòng Quản lý đào tạo