Hướng nghiệp cho học sinh cần biết rõ sở thích năng lực cá nhân và nhu cầu tuyển dụng của ngành nghề mà học sinh sẽ theo học.
Chọn ngành học là quyết định quan trọng bởi nó ảnh hưởng lớn đến tương lai mỗi người sau này. Tuy nhiên nhiều học sinh ít khi tìm hiểu kỹ về ngành học, công việc mà mình sẽ theo đuổi. Có em lựa chọn theo cảm tính, không quan tâm đến đặc thù nghề nghiệp, cũng như triển vọng công việc sau khi ra trường.
Theo các chuyên gia hướng nghiệp, học sinh muốn có nghề hợp lý thì việc định hướng nghề nghiệp phải thỏa mãn cả 3 đỉnh của tam giác chọn nghề:
– Đỉnh thứ nhất là yêu thích, đam mê, muốn sống cả đời với nghề nghiệp đó.
– Thứ hai là kiến thức, kỹ năng và thế mạnh của bản thân.
– Thứ ba là cơ hội nghề nghiệp của ngành mình lựa chọn và sự hiểu biết về nhu cầu thị trường.
Thời điểm ‘vàng’ để hướng nghiệp cho học sinh là cuối năm cấp 2, đầu năm cấp 3. Từ giữa năm cấp 3, song song với việc học, thi, học sinh sẽ có hứng thú tìm hiểu và theo đuổi nghề mình mong muốn.
Việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh nên có sự tham gia của cả gia đình và xã hội. Nếu chỉ nhà trường làm việc này sẽ không đủ thông tin cho các em lựa chọn trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Có hai cách để phụ huynh hướng nghiệp cho học sinh là:
1. Để các em được trải nghiệm, cọ xát và có cái nhìn thực tế về nghề nghiệp. Phụ huynh nên cho trẻ tham gia nhiều câu lạc bộ;
2. Cách thứ hai là cho trẻ tiếp xúc với những người tài năng, có lòng yêu nghề để truyền đam mê cho các em. Ngoài ra, người lớn cần đối thoại với trẻ để thể hiện được quan điểm của mình và hiểu tâm tư của con. “Khi lựa chọn nghề nghiệp, các con có thể không thực tế vì ảnh hưởng từ truyền thông, phim ảnh. Cha mẹ và con cái nên đối thoại để định hướng được con đường phù hợp nhất”.
Việc định hướng ngành nghề cho học sinh nên thực hiện từ cuối năm cấp 2, đầu năm cấp 3. Từ giữa năm cấp 3 song song với việc học, thi, học sinh có thể hứng thú tìm hiểu nghề mình mong muốn. Mốc thời gian này có thể chỉ mang ý nghĩa tương đối, nhưng việc trải nghiệm thực tế sẽ đem lại câu trả lời chính xác nhất đâu là nghề nghiệp thực sự phù hợp với mỗi cá nhân.
Lựa chọn nghề nghiệp, ngoài việc nhìn vào những tấm gương thành công, mặt tích cực của công việc, học sinh cũng nên nhìn vào mặt trái của ngành nghề.
Ví dụ: như mặt trái của ngành y là thời gian không thuộc về mình mà thuộc về người khác. Ngay khi diễn ra hội thảo, bác sĩ phải xin phép rời đi sớm vì đột xuất có ca cấp cứu. Những người làm toán học luôn phải đồng hành với sự cô đơn. Bản thân họ khi làm toán rất ít khi trò chuyện với người khác, cũng không trả lời email. Người làm Du lịch phải đi tour khi mọi người đều nghỉ dịp lễ, Tết…
Cha mẹ nên cùng con tham gia các buổi hướng nghiệp, để tìm hiểu và đưa ra tư vấn chính xác, thuyết phục nhất. Thực tế, nhiều bậc phụ huynh vẫn còn lúng túng trong việc định hướng cho con. Thậm chí, giữa cha mẹ và con cái đã xảy ra không ít mâu thuẫn trong việc chọn nghề.
Bố mẹ nên để con tự do lựa chọn nghề nghiệp cho mình. Bố mẹ dựa vào kiến thức, vốn hiểu biết hiện tại để lựa chọn nghề nghiệp tương lai cho con là sai lầm, con nên được tự do chọn ngành nghề. Lựa chọn đó có thể sai nhưng không sao, bố mẹ vẫn đứng ngoài ủng hộ và khích lệ con tìm ra hướng mới. Cách tốt nhất để hướng nghiệp cho con là cho cơ hội trải nghiệm thực tế.
Ở các nước phát triển, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh được bắt đầu từ bậc tiểu học, trung học cơ sở, các em được tìm hiểu nghề nghiệp tương lai bằng cách tiếp cận thực tế tại các cơ sở sản xuất, nhà máy, doanh nghiệp, phòng thí nghiệm…… Đây là cách hướng nghiệp cho học sinh hiệu quả nhất mà phụ huynh cần hướng dẫn cho con.
(Nguồn Mitc.edu.vn tổng hợp)