TTO – Chuyện của một cậu học sinh vừa trải qua kỳ thi không thành công vào trường THPT. Tiếp tục bám víu vào việc học chữ ở trường ngoài công lập hay sẽ học nghề, đâu là lựa chọn của nhân vật trong bài?
“Không ít học sinh tốt nghiệp các trường nghề, ra trường lập nghiệp, làm giàu bằng chính sức lao động và niềm đam mê của mình. Cháu tôi tin xã hội hiện nay đang cần những người thợ lành nghề như vậy”.
Từ ngoài quê (Quảng Ngãi) cháu gọi điện thoại vào cho tôi, giọng có chút buồn: “Cháu vừa mới thi xong lớp 10. Nhưng cháu biết chắc mình không đủ điểm đậu vào trường công lập”. Cháu bảo chỉ làm được chừng 50% đề thi.
Các em học sinh lớp 9 tìm hiểu ngành nghề tại -Ảnh: QUANG PHƯƠNG
Sửa điện thoại: nghề cháu yêu thích và đam mê
Khi nghe cháu bảo rằng chắc chắn sẽ rớt lớp 10, thú thật tôi cũng không có nhiều ngạc nhiên. Tôi biết học lực của cháu chỉ vào loại trung bình, dù cháu đã cố gắng hết sức. Nhưng điều làm tôi có chút ngạc nhiên và hơi phân vân là cháu khẳng định: nếu rớt, cháu sẽ nói với mẹ làm hồ sơ xin vào học một trường nghề của tỉnh.
Nghề mà cháu yêu thích và quyết định lựa chọn sau khi thi rớt lớp 10 là sửa chữa, bảo hành điện thoại và các loại thiết bị điện tử. Cháu bảo đây là một nghề mà từ lâu cháu đã yêu thích.
Khi nghe tôi hỏi: “Vì sao cháu lại có ý định chọn học trường nghề quá sớm, khi cháu chỉ mới tốt nghiệp hết cấp II?”, cháu tâm sự vì cháu biết học lực của mình chỉ đến chừng đó. Nếu cháu có cố gắng hết sức đi chăng nữa, sau khi học hết cấp III thì chưa chắc cháu sẽ được xét tuyển vào đại học.
Cháu cũng nói có theo dõi các thông tin về giáo dục trên báo chí và biết nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, ra trường kiếm việc làm rất khó khăn, không ít người đã thất nghiệp. Cháu nói chắc là do các anh chị đã chọn không đúng nghề nghiệp mình yêu thích, do chạy theo phong trào nghề “nóng” hoặc chọn không đúng với năng lực của mình.
Định hướng nghề nghiệp từ lớp 9
Cháu còn bảo với tôi, ngay từ đầu năm học lớp 9, thầy giáo chủ nhiệm của cháu đã định hướng nghề nghiệp tương lai cho cháu cũng như nhiều bạn trong lớp. Thầy đưa ra nhiều dẫn chứng thực tế về những học sinh học xong cấp II hay cấp III đã lựa chọn vào học trường nghề tại tỉnh nhà.
Nhiều người tốt nghiệp trường nghề ra trường có ngay việc làm và đã trở thành những người thợ lành nghề, vừa có thu nhập ổn định, vừa mãn nguyện với lựa chọn của mình.
Theo cháu, xã hội hiện nay đang rất cần những người thợ lành nghề như vậy. Cháu đã suy nghĩ rất nhiều về tương lai và quyết định chọn trường nghề để học sau khi thi rớt vào lớp 10.
Mẹ cháu cũng gọi điện cho tôi thở ngắn than dài. Chị bảo, trước sự lựa chọn kiên quyết của con, chị cũng… chịu thua và đành xuôi theo, cho con được lựa chọn, quyết định học trường nghề chứ không bắt học cấp III.
Từ câu chuyện của gia đình mình, tôi nghĩ việc giáo dục và hướng nghiệp cho các học sinh vô cùng quan trọng. Nhà trường nên hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp sớm cho học sinh, tốt nhất là bắt đầu từ cuối cấp THCS (năm lớp 9).
Khi ấy các cháu đã có đủ năng lực trí tuệ để có thể tự định hướng nghề nghiệp cho chính mình, dựa vào khả năng, sở thích, niềm đam mê nghề nghiệp.
Hãy tôn trọng và ủng hộ lựa chọn của con cái
Với câu chuyện của cháu tôi, dẫu vẫn biết rằng cháu chỉ mới vừa hoàn thành xong chương trình THCS, việc lựa chọn học một nghề mà cháu yêu thích có thể nhiều người cho là quá sớm. Nhưng tôi tin đó là một sự lựa chọn đúng đắn.
Rất may là lựa chọn của cháu tôi không gây ra sự “xào xáo” nào trong gia đình. Tôi biết ở nhiều gia đình khác, chuyện đã không “êm” như vậy. Rất mong các bậc phụ huynh nên đồng hành, tôn trọng và ủng hộ con cái của mình trong sự lựa chọn nghề nghiệp tương lai của các cháu. Vì đó là lựa chọn, là cuộc đời của chính các cháu.
Hãy cho các cháu quyền được quyết định!
NGUYỄN ĐƯỚC (TP.HCM)
Theo Báo Tuổi trẻ Online